Thành lập công ty dịch vụ logistics có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Dịch vụ logistics theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại 2005, là một hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc liên quan đến hàng hóa như: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi mã ký hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Có thể bạn quan tâm

Các điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài:

Về hình thức đầu tư:

Công ty phải liên doanh với đối tác Việt Nam, không được thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Về tỷ lệ góp vốn:

Vì pháp luật không cho phép thành lập công ty logistics 100% vốn nước ngoài nên bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải hợp tác với đối tác Việt Nam để cùng nhau kinh doanh. Tuy nhiên, trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO thì tùy mỗi hoạt động logistics mà giới hạn về tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài là khác nhau.

Nếu nhà đầu tư dự định thực hiện cung cấp nhiều dịch vụ logistics thì tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài sẽ là mức thấp nhất trong các hoạt động dự kiến thực hiện. Ví dụ như nhà đầu tư dự kiến cung cấp dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ kho bãi và dịch vụ vận tải hàng hóa (đường bộ) thì mức vốn góp tối đa của phía nước ngoài là 50%.

Do hoạt động logistics là khá rộng nên nếu Quý Khách hàng có nhu cầu, chúng tôi sẽ tra cứu và tư vấn chi tiết, cụ thể hơn khi Quý Khách hàng cung cấp các hoạt động mà mình dự định thực hiện.

Về các hoạt động logistics:

Có một số hoạt động logistics mà công ty logistics có vốn nước ngoài không được thực hiện:

Vận tải đường ống;

Đối với kiểm tra và phân tích kỹ thuật thì không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.

Để thực hiện đầu tư vào lĩnh vực logistics ở Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có hai sự lựa chọn:

Cách 1: Thành lập công ty logistics có vốn nước ngoài:

Lưu ý: Nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu 100% phần vốn góp nên phải hợp tác với đối tác Việt Nam.

Bước 1: Nhà đầu tư xin cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư

Hồ sơ bao gồm:

Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

Đối với nhà đầu tư là cá nhân: bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu;

Đối với nhà đầu tư là tổ chức: bản sao giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương xác nhận tư cách pháp lý;

Đề xuất dự án đầu tư;

Bản sao báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ hoặc của tổ chức tài chính hoặc bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư hoặc tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

Đề xuất nhu cầu sử dụng đất. Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án;

Nếu dự án có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì nộp giải trình về sử dụng công nghệ.

Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi dự kiến đặt trụ sở chính.

Trình tự xử lý: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 2: Thành lập công ty logistics có vốn nước ngoài tại Việt Nam

Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp bao gồm:

Đơn đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

Điều lệ doanh nghiệp;

Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc danh sách thành viên hợp danh;

Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên là tổ chức; bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó;

Giấy ủy quyền;

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nơi nộp hồ sơ:

Sở Kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn: 03 – 06 ngày làm việc.

Công bố nội dung thông tin đăng ký doanh nghiệp:

Thông tin về đăng ký doanh nghiệp phải được thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong vòng 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nội dung công bố bao gồm các thông tin được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Lưu ý: Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì đối với hành vi không công bố hoặc công bố không đúng thời hạn quy định nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Khắc dấu và công bố mẫu dấu:

Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho Công ty Luật Việt An hoặc tự mình khắc dấu và thông báo về việc sử dụng mẫu dấu cho Sở Kế hoạch và đầu tư. Doanh nghiệp có thể tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng phải thể hiện được tên và mã số doanh nghiệp.

Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Cách 2: Góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào công ty logistics Việt Nam

Cách thức này sẽ giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian và chi phí hơn do không phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không đạt mức 100%. Nếu chọn cách thức này, nhà đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ngoài ra, đối với những hoạt động mà nhà đầu tư nước ngoài không được thực hiện thì cần cân nhắc và thực hiện thủ tục giảm ngành nghề.

Bước 1: Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

Hồ sơ bao gồm:

Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thể hiện những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;

Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.

Nơi nộp hồ sơ:

Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trình tự, thủ tục:

Nếu việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu và hình thức đầu tư phù hợp với Biểu cam kết và pháp luật Việt Nam thì trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ không đáp ứng điều kiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Bước 2: Thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp và thay đổi cổ đông, thành viên

Trên đây là một số thông tin hữu ích mà chúng tôi cung cấp cho quý khách hàng. Trường hợp có bất kỳ vấn đề gì cần giải đáp hoặc tư vấn xin liên hệ với chúng tôi qua các kênh liên lạc bên dưới.