Nghĩa vụ bên mua trong hợp đồng mua bán

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên có các quyền và nghĩa vụ cụ thể được quy định theo pháp luật cũng như trong hợp đồng giữa các bên. Pháp luật Việt Nam quy định về nghĩa vụ của bên mua trong hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

Nghĩa vụ nhận hàng

Pháp luật thương mại Việt Nam quy định tại Điều 50 là bên mua có nghĩa vụ nhận hàng theo thỏa thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng, tuy nhiên không quy định thêm về thế nào là công việc hợp lý. Có thể tham khảo thêm quy định của Công ước Viên 1980 (CISG) về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế tại Điều 50 quy định về nghĩa vụ nhận hàng của bên mua. Cụ thể, quy định miêu tả nghĩa vụ nhận hàng của bên mua thể hiện ở hai hành vi đó là sẵn sàng tiếp nhận và tiếp nhận hàng. Sẵn sàng tiếp nhận hàng được hiểu là việc người mua phải tiến hành chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc tiếp nhận hàng như phương tiện bốc dỡ, kho bãi…

Nghĩa vụ tiếp nhận hàng của người mua là việc người mua nhận hàng tại địa điểm và thời gian theo thỏa thuận trong hợp đồng. Bên cạnh đó, tùy theo thỏa thuận người mua có thể còn có nghĩa vụ kiểm tra hàng để đảm bảo hàng đúng chất lượng, số lượng theo thỏa thuận. Thông thường sau khi kiểm tra hàng hai bên sẽ lập biên bản về việc nhận hàng của người mua có xác nhận về số lượng, chất lượng hàng hóa. 

Nghĩa vụ thanh toán đúng theo giá hàng hóa đã thỏa thuận trong hợp đồng

Bên cạnh nghĩa vụ giao hàng của người bán, nghĩa vụ thanh toán của người mua cũng là nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa, theo đó người mua có nghĩa vụ thanh toán đúng theo giá cả, thời gian, địa điểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Điều 50 Luật Thương mại Việt Nam 2005 quy định bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng tuy nhiên không quy định cụ thể như CISG tại Điều 55 khi quy định về nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của bên mua đúng theo giá cả mà các bên đã thỏa thuận ghi trong hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không có quy định cụ thể về giá của hàng hóa thì pháp luật Việt Nam (Điều 52 Luật thương mại 2005) quy định việc xác định theo cách suy đoán rằng các bên đã hướng tới mức giá thông thường được áp dụng vào thời điểm giao kết hợp đồng tại cùng ngành hàng, cho cùng công việc thực hiện trong hoàn cảnh tương tự, hoặc nếu không có mức giá này thì hướng tới mức giá hợp lí.

Nghĩa vụ thanh toán đúng địa điểm quy định trong hợp đồng

Bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán tại địa điểm theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật quy định (tại Điều 53 Luật thương mại 2005) bên mua phải thanh toán cho bên bán tại: địa điểm kinh doanh của bên bán được xác định vào thời điểm giao kết hợp đồng, hoặc không có địa điểm kinh doanh thì tại nơi cư trú của bên bán; địa điểm giao hàng hoặc giao chứng từ, nếu việc thanh toán được tiến hành đồng thời với việc giao hàng hoặc giao chứng từ.

Nghĩa vụ thanh toán đúng thời hạn

Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng theo đúng thời gian quy định trong hợp đồng. Điều 55 Luật thương mại Việt Nam quy định, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, bên mua phải thanh toán cho bên bán vào thời điểm bên bán giao hàng hoặc giao chứng từ liên quan đến hàng hoá; Nếu có thỏa thuận về kiểm tra hàng thì bên mua không có nghĩa vụ thanh toán cho đến khi có thể kiểm tra xong hàng hoá.

Như vậy, trong hợp đồng mua bán hàng hóa bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và nghĩa vụ thanh toán đúng theo thời gian, địa điểm và giá cả trong hợp đồng.