Các điều khoản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Không có quy định cụ thể nào yêu cầu về nội dung của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có quy định nội dung của chào hàng, theo đó chào hàng phải bao gồm  tên hàng, số lượng, giá cả có thể là một tham khảo nhất định. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi và hạn chế tranh chấp, có một số các điều khoản trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như sau:

Điều khoản về đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hàng hóa nên thường trong hợp đồng phải có thông tin cụ thể, chính xác về hàng hóa đó. Đây là nội dung cơ bản và bắt buộc phải có trong hợp đồng. Một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải chỉ rõ đối tượng của hợp đồng là gì, là mặt hàng hoặc loại hàng hóa nào. Cần lưu ý rằng, hàng hóa trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải là hàng hóa không bị cấm (các nhóm hàng hóa bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu) và không bị hạn chế (các hàng hóa bị hạn chế xuất nhập khẩu hoặc có yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật…).

Thế nào là hàng hóa bị cấm hay bị hạn chế thì phải căn cứ vào pháp luật từng quốc gia, mỗi quốc gia sẽ có danh mục hàng hóa bị cấm và hạn chế riêng. Trong trường hợp xảy ra xung đột pháp luật thì việc xác định danh mục hàng hóa bị cấm và hạn chế sẽ đi kèm với việc xác định pháp luật quốc gia nào điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đó. 

Điều khoản về số lượng cụ thể của hàng hóa

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần có điều khoản quy định về số lượng cụ thể của hàng hóa. Đây cũng là một điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Việc xác định số lượng đầu tiên phải nêu rõ đơn vị, đó có thể là đơn vị số đếm như cái, chiếc, bộ… hoặc đơn vị đo lường như kilogram, tấn, mét,…  Có một số phương pháp xác định số lượng hàng hóa như phương pháp chính xác (thường áp dụng cho những sản phẩm số đếm như chiếc, cái, …); phương pháp phỏng chừng (áp dụng cho những sản phẩm có thể hư hao trong quá trình vận chuyển như gạo, muối, …); và phương pháp xác định trọng lượng đối với những hàng hóa xác định được trọng lượng.

Điều khoản về phẩm chất hàng hóa 

Phẩm chất hàng hóa cũng là một yếu tố quan trọng trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Phẩm chất hàng hóa nên được quy định cụ thể thông qua việc mô tả theo hình dạng, màu sắc, kích thước, hoặc xác định bởi đặc tính lý hóa của nó, hoặc theo một tiêu chuẩn nhất định. Cần lưu ý rằng sự mô tả này càng chi tiết càng sẽ đảm bảo tránh khỏi những tranh chấp không đáng có trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Điều khoản về giá cả hàng hóa

Giá cả là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên các bên cần phải thỏa thuận và quy định cụ thể, đôi khi còn cần có cả thỏa thuận về biến động giá cả hay tỷ giá tiền. Một số thỏa thuận cần có là đơn vị tiền tệ của giá cả, mức giá, phương pháp quy định giá cả, giảm giá (nếu có), và điều kiện cơ sở giao hàng. Đồng tiền tính giá có thể là đồng tiền của nước người mua, người bán hoặc của nước thứ ba theo thỏa thuận các bên. Thông thường các bên nên chọn các đồng tiền có giá ổn định và có khả năng chuyển đổi cao, sử dụng phổ biến như USD, EUR,…

Điều khoản giao hàng 

Điều khoản về giao hàng là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm các nội dung như: thời hạn giao hàng, địa điểm giao hàng, phương thức giao hàng. Nội dung này ảnh hưởng trực tiếp đến nghĩa vụ và quyền lợi của các bên và cũng là một trong những điều khoản thường xảy ra tranh chấp giữa các bên. Thời hạn giao hàng là thời hạn mà người bán phải hoàn thành nghĩa vụ giao hàng với người mua. Nếu chậm giao hàng theo thời hạn này thì có thể bị coi là vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng và có thể chịu các trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Tương tự, địa điểm giao hàng hay phương thức giao hàng cũng cần được quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

 Điều khoản về thanh toán

Điều khoản về thanh toán là một điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm các nội dung như: đồng tiền thanh toán, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán, chứng từ. Khi thỏa thuận hợp đồng các bên thỏa thuận về thời hạn thanh toán bao gồm các phương thức như: Thanh toán trước; thanh toán sau; trả tiền ngay khi giao hàng hoặc thanh toán theo phương thức hỗn hợp. 

Điều khoản bồi thường thiệt hại hoặc điều khoản phạt

Đây là một điều khoản nên có trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Điều khoản này quy định các trường hợp vi phạm nào sẽ phải chịu các hình phạt nào, mức bồi thường thiệt hại,… Bên cạnh đó, các bên cũng có thể thỏa thuận các trường hợp miễn trừ như các trường hợp bất khả kháng hoặc trường hợp khác theo thỏa thuận các bên.

Điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng

Tuy không phải điều khoản bắt buộc nhưng là một điều khoản nên có trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vì tính chất quốc tế của hợp đồng này. Khi xảy ra tranh chấp thì vì tính chất quốc tế của mình nên hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có nhiều luật cùng có thể áp dụng và xảy ra hiện tượng xung đột pháp luật. Hiện tượng này sẽ dễ dàng hơn khi các bên thỏa thuận trước luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của mình. 

Điều khoản về giải quyết tranh chấp

Các bên có thể thỏa thuận các phương thức giải quyết khi có tranh chấp xảy ra theo hợp đồng, Thường thấy nhất là điều khoản quy định về việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thay vì tòa án. Các bên có thể thỏa thuận cụ thể tổ chức hoặc cá nhân trọng tài nào sẽ giải quyết tranh chấp của mình và thậm chí cả luật sẽ được áp dụng trong quá trình tố tụng trọng tài. Hoặc việc thỏa thuận tòa án quốc gia nào sẽ giải quyết khi có tranh chấp. Khác với điều khoản về luật áp dụng, lưu ý rằng thỏa thuận ở phần này về luật áp dụng (nếu có) là thỏa thuận luật áp dụng cho việc tố tụng, giải quyết tranh chấp.

Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thông thường sẽ có nội dung bao gồm các điều khoản về: đối tượng, số lượng cụ thể của hàng hóa, phẩm chất hàng hóa; giá cả hàng hóa; điều khoản về thời hạn giao hàng; điều khoản về phương thức giao hàng; điều khoản về thanh toán; điều khoản về trách nhiệm hợp đồng; điều khoản về luật áp dụng cho hợp đồng; điều khoản về giải quyết tranh chấp.