Thành lập công ty 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics

Dịch vụ logistics nay là ngành nghề kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam để kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm

10 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, một số hạn chế của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics đã được bãi bỏ. Điều này giúp Việt Nam thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, tạo điều kiện cho thị trường logistics của Việt Nam ngày càng mở rộng và phát triển.

1. Cơ sở pháp lý

– Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO;

– Luật đầu tư năm 2014;

– Luật doanh nghiệp 2014;

– Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics;

– Nghị định số 09/2018/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2. Phân ngành dịch vụ logistics được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam

Trong Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, mỗi hoạt động logistics lại có giới hạn khác nhau về tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Với một số phân ngành nhất định, nhà đầu tư buộc phải thành lập liên doanh (hợp tác với một đối tác Việt Nam) và phần vốn góp của nước ngoài không vượt quá tỷ lệ cho phép. Hiện tại, trong biểu cam kết quốc tế của Việt Nam với WTO, chỉ có các phân ngành dịch vụ logistics sau đây được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam:

– Dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa) (CPC7211);

– Dịch vụ kho bãi (CPC 742);

– Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (Freight transport agency service) (CPC748);

– Dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay (CPC 8868);

– Các dịch vụ chuyển phát (CPC7512).

Dịch vụ logistics được liệt kê vào danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, nhà đầu tư muốn thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để hoạt động trong lĩnh vực logistics không những cần thỏa mãn các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, mà còn phải tuân thủ các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam đối với dịch vụ này.

3. Quy trình, thủ tục

Quy trình, thủ tục đầu tư theo hình thức thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics gồm hai bước, như sau:

Bước 1: Nhà đầu tư xin cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư

a. Thành phần hồ sơ:

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

– Đối với nhà đầu tư là cá nhân: bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu;

– Đối với nhà đầu tư là tổ chức: bản sao giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương xác nhận tư cách pháp lý;

– Đề xuất dự án đầu tư;

– Bản sao báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ hoặc của tổ chức tài chính hoặc bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư hoặc tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất. Trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án;

– Nếu dự án có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao thì nộp giải trình về sử dụng công nghệ.

Lưu ý: Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp lãnh sự, dịch thuật và công chứng.

b. Cơ quan giải quyết:

Cơ quan đăng ký đầu tư

c. Thời gian giải quyết:

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Bước 2: Thành lập công ty logistics 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam

a. Thành phần hồ sơ:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ doanh nghiệp;

– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;

– Bản sao có công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên là cá nhân; bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thành viên là tổ chức; bản sao công chứng chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của đại diện pháp luật của tổ chức đó;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

b. Cơ quan giải quyết:

Cơ quan đăng ký kinh doanh

c. Thời gian giải quyết:

05 ngày làm việc

Sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tiến hành khắc dấu và công bố mẫu dấu lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trên đay là một số thông tin hữu ích mà chúng tôi cung cấp cho Quý khách hàng. Trường hợp có bất kỳ vấn đề gì cần giải đáp hoặc tư vấn xin hãy liên hệ với chúng tôi theo cái kênh liên hệ bên dưới.