Người say rượu phạm tội có phải chịu trách nhiệm hình sự không

Một người khi say rượu thường bị rơi tỉnh trạng không tỉnh táo, không làm chủ được các hành vi, hành động và cách cư xử của mình. Như vậy, một người say rượu bia có thể xem là mất năng lực trách nhiệm hình sự không? Câu hỏi này không có câu trả lời chính xác tuyệt đối. Tình trạng say rượu có thể gây ra ảnh hưởng ở cách mức độ khác nhau đến năng lực hành vi cua một người, điều này phụ thuộc vào lượng rượu, nồng độ rượu mà người đó uống và trạng thái sức khỏe từng người.

Một người say rượu phạm tội có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hình sự không? 

Câu trả lời là Có, Điều 13 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định người mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do dùng rượu, bia mà có hành vi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A vào dịp sinh nhật lần thứ 25 của mình đã uống rượu cùng bạn bè. Vì lâu rồi mới có dịp tụ tập cùng bạn nên anh A đã uống quá chén. Trên đường về nhà, anh A không tỉnh táo nên đã gây sự và xảy ra va chạm với anh B. Trong lúc tranh cãi, anh A đã cầm viên gạch bên đường đập vào đầu anh B nhiều lần khiến anh B mất nhiều máu và bị thương tích 38%. Sau khi tỉnh rượu, anh A rất hối hận về hành vi của mình. Tuy nhiên, anh A vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý gây thương tích của mình và có thể bị phạt tù đến 06 năm.

Trong trường hợp này, trước khi say rượu, anh A là người hoàn toàn tỉnh táo, có đầy đủ khả năng nhận thức, đánh giá đúng sai, cũng đủ trưởng thành để điều khiển được hành vi của mình. Năng lực nhận thức và hành vi của anh A chỉ ảnh hưởng sau khi anh A bị say rượu. Nếu anh A không uống rượu bia, hoặc uống dừng lại ở chừng mực thì sẽ không bị say. Như vậy, chính anh A là người có lỗi khi để bản thân rơi vào trạng thái say rượu. Điều này đồng nghĩa với việc anh A phải chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân, bao gồm cả những hành vi trong lúc say.

Khi nào người say rượu phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự?

Như đã biết, người phạm tội khi say rượu vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Sau đây là một số trường hợp người say rượu không phải chịu trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, người say rượu phạm tội bị bệnh tâm thần hoặc bất kỳ bệnh nào làm người đó mất năng lực trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này, để được loại trừ trách nhiệm hình sự, người phạm tội (hoặc đại diện) phải giao nộp được tài liệu, chứng cứ, bệnh án chứng minh được tình trạng bệnh.

Thứ hai, người say rượu phạm tội trong trường hợp bất ngờ.

Trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự tiếp theo là người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với mục đích phòng vệ chính đáng. Việc hành động để bảo vệ bản thân, bảo vệ người khác hoặc bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, những hành vi phòng vệ chính đáng này cũng chỉ được phép trong hoàn cảnh cần thiết. Những hành vi chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại được xem là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Người say rượu dưới 14 tuổi cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Người dưới 14 tuổi được xem là chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, người dưới 14 tuổi say rượu phạm tội cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Những trường hợp trên cũng là một phần trong số các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, người say rượu nếu phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm với những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng. Điều này đồng nghĩa với việc người phạm tội phải chịu các hình phạt, trong đó có phạt tù. Vì vậy, mỗi cá nhân, trong mỗi bữa tiệc, trước mỗi chén rượu, nên cân nhắc để không để các hậu quả đáng tiếc xảy ra!