Vụ án hành chính được hiểu như thế nào?

Bên cạnh các khái niệm về vụ án hình sự, dân sự thì trong hệ thống pháp luật còn có khái niệm vụ án hành chính. Vậy vụ án hành chính là gì? Vụ án hành chính có những quy định như nào theo pháp luật.

Khái niệm vụ án hành chính

Vụ án hành chính (VAHC) theo quy định của pháp luật là vụ án phát sinh khi các cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân (TAND) xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính (QĐHC), hành vi hành chính (HVHC), quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri của cơ quan nhà nước và được Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật.

Có hai điều kiện để một VAHC phát sinh :

– Thứ nhất, điều kiện cần là có hành vi khởi kiện của cá nhân, tổ chức, cơ quan. Pháp luật quy định chỉ khi có hành vi khởi kiện của các cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan theo luật định thì mới phát sinh vụ án. 

– Thứ hai, điều kiện đủ là việc khởi kiện phải được TAND thụ lý giải quyết. Không phải vụ án nào cũng được TAND thụ lý giải quyết. Chỉ khi TAND thụ lý giải quyết thì mới hình thành Vụ án hành chỉnh để giải quyết. Tuy vậy, pháp luật cũng quy định nếu thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án không được phép từ chối giải quyết. 

Đặc điểm của vụ án hành chính :

Về bản chất, VAHC chỉ có thể xảy ra trong trường hợp có tranh chấp giữa chủ thể và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Đối tượng quản lý hành chính được Nhà nước trao quyền khởi kiện VAHC khi có sự xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Dựa vào định nghĩa VAHC có thế thấy rõ một số đặc điểm cụ thể như sau: 

Thứ nhất: Chỉ khi có yêu cầu khởi kiện vụ án hành chính của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo đúng quy định pháp luật thì VAHC mới phát sinh. 

Luật TTHC 2015 quy định về đặc điểm này ở Điều 5 như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này”. 

Như vậy, VAHC xuất phát từ tranh chấp giữa chủ thể và đối tượng quản lý hành chính nhà nước. Khi có sự xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp, các đối tượng quản lý hành chính được khởi kiện VAHC. Sự xâm hại này phải xuất phát từ các quyết định hành chính hoặc các hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước và những người có thẩm quyền trong các cơ quan này không tuân thủ theo quy định của pháp luật và gây ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó.

Như vậy, thực chất VAHC có vai trò trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của QĐHC, HVHC.

Thứ hai : Vụ án hành chính chỉ phát sinh khi được Tòa án thụ lý. 

Đặc điểm này chỉ ra rằng một tranh chấp giữa các chủ thể tư và các cơ quan, tổ chức Nhà nước muốn trở thành VAHC cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Tuy nhiên, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính không có nghĩa là VAHC đương nhiên phát sinh khi có đơn khởi kiện.

Cần lưu ý rằng, chỉ khi vụ án đó được thụ lý, Tòa án mới có nhiệm vụ giải quyết VAHC theo yêu cầu khởi kiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Ngoài ra, việc thụ lí vụ án còn làm phát sinh những quyền hạn cụ thể của tòa án trong xét xử hành chính, cụ thể là đơn kiện đã được thụ lí thì VAHC đã phát sinh và phải được giải quyết bằng bản án hay quyết định của tòa án. 

Thứ ba, đặc thù vụ án hành chính

VAHC có đặc thù là có đối tượng chỉ bao gồm “quyết định hành chính” và “hành vi hành chính” do người có thẩm quyền trong các cơ quan công quyền ban hành hoặc thực hiện. 

Thứ tư, VAHC có các bên chủ thể đặc thù

Một bên chủ thể trong VAHC là chủ thể có thẩm quyền của các cơ quan công quyền. Các chủ thể này mang một phần quyền lực nhà nước dựa trên thẩm quyền của mình vì vậy mối quan hệ giữa hai bên chủ thể trong VAHC không ngang bằng nhau (một bên là công dân một bên là cơ quan hành chính thực thi quyền lực nhà nước). Sự không ngang bằng này trước hết về vị thế chính trị và cũng có thể về cả hiểu biết xã hội, hiểu biết pháp luật 

Thứ năm, về tính chất đặc thù của VAHC nên một VAHC không có thủ tục hòa giải

Cũng do tính chất phức tạp của loại án hành chính, nên sự tham gia tố tụng của Viện kiểm sát để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết án hành chính là bắt buộc đối với tất cả vụ án ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc giải quyết án (Điều 23 Luật TTHC). 

Như vậy VAHC là việc các chủ thể khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu xem xét tính hợp pháp của các QĐHC, HVHC ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của mình. VAHC có đặc thù riêng biệt như đã nêu ở trên.