Phân biệt chấm dứt hiệu lực và hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Chấm dứt và hủy hiệu lực văn bằng là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn vì hậu quả pháp lý của chúng giống nhau. Sau khi văn bằng bị chấm dứt hoặc hủy hiệu lực, mọi giao dịch hoặc quyền đối với văn bằng đều bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên, bản chất của hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau.

1. Các trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ

  1. Chủ văn bằng không nộp lệ phí duy trì hoặc gia hạn theo quy định;
  2. Chủ văn bằng tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
  3. Chủ văn bằng không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
  4. Nhãn hiệu không được sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
  5. Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  6. Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
  7. Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.

2. Các trường hợp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ

  1. Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
  2. Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ. Nếu văn bằng bảo hộ có một phần không đáp ứng điều kiện bảo hộ thì sẽ bị hủy bỏ hiệu lực một phần tương ứng. 

Ví dụ: 

  • Kiểu dáng công nghiệp được cấu tạo bởi các yếu tố màu sắc, đường nét, hình khối và tương quan vị trí. Trong trường hợp một trong các yếu tố trên không đáp ứng điều kiện bảo hộ thì văn bằng sẽ bị hủy bỏ hiệu lực phần tương ứng.
  • Nhãn hiệu bao gồm phần hình và phần chữ. Khi một trong trong hai thành phần không đáp ứng điều kiện bảo hộ thì văn bằng bị hủy bỏ đối với phần tương ứng.

Trong các trường hợp đã kể trên, các tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng và phải nộp phí và lệ phí theo quy định. Thời gian để gửi yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng đến cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu là năm năm kể từ ngày cấp chứng nhận nhãn hiệu, trừ trường hợp chứng nhận được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn. Căn cứ yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực văn bằng hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng.

3. Sự khác biệt giữa chấm dứt hiệu lực và hủy bỏ hiệu lực

Chấm dứt hiệu lực văn bằng: Chủ sở hữu văn bằng có quyền đăng ký và đối tượng bảo hộ đáp ứng tất cả các điều kiện bảo hộ, văn bằng đã được cấp nhưng vì một số lý do nên không thể tiếp tục duy trì.

Hủy bỏ hiệu lực văn bằng: Tại thời điểm đăng ký, chủ sở hữu văn bằng không có quyền đăng ký hoặc đối tượng bảo hộ không đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật nhưng vì lý do nào đó mà văn bằng vẫn được cấp. Do đó, văn bằng bị hủy hiệu lực.