Phân biệt bảo lãnh và tín chấp tài sản

Bảo lãnh và tín chấp tài sản là hai biện pháp bảo đảm nghĩa vụ cho hợp đồng được quy định trong bộ luật dân sự 2015. Hai biện pháp này đôi khi bị nhầm lẫn với nhau. Bài viết sẽ nêu một số lưu ý để so sánh hai biện pháp này. 

Căn cứ pháp lý

– Bảo lãnh được quy định tại Điều 335 đến 343 bộ luật dân sự 2015.

– Tín chấp được quy định tại Điều 344 đến 345 bộ luật dân sự 2015.

Bảo lãnh là gì?

Pháp luật Việt Nam quy định bảo lãnh là một trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, cụ thể bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền (còn gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo hợp đồng. 

Tín chấp là gì? 

Pháp luật quy định về tín chấp, một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như sau: Tín chấp là việc bảo lãnh bằng uy tín của tổ chức chính trị – xã hội cho cá nhân hoặc hộ gia đình nghèo không có tài sản để thế chấp được vay một số tiền nhỏ tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc làm dịch vụ. 

Một số điểm giống nhau giữa bảo lãnh và tín chấp

Thứ nhất, tín chấp và bảo lãnh đều là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại BLDS 2015. Đặc biệt có hai biện pháp này đều có tính chất đối nhân. Tức là thay vì dùng tài sản để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng chính, đối tượng của các biện pháp này còn có thể là uy tín chủ thể thứ ba tham gia bảo đảm cho nghĩa vụ này.

Thứ hai, mục đích: Hai biện pháp này có mục đích chung là để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền trong hợp đồng chính. 

Thứ ba, về chủ thể: Đây là hai biện pháp cùng có sự tham gia của bên thứ ba vào quan hệ bảo đảm này. Cụ thể là các chủ thể: bên bảo đảm (bên thứ ba), bên nhận bảo đảm (bên có quyền) và bên được bảo đảm (bên có nghĩa vụ theo hợp đồng chính).  

Sự khác nhau cơ bản giữa cầm cố và thế chấp

Thứ nhất, về hình thức.

Pháp luật không quy định về hình thức của bảo lãnh vì vậy có thể hiểu bảo lãnh có thể lập bằng miệng hoặc bằng văn bản. Ngược lại, với tín chấp, việc cho vay bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị xã hội bảo đảm. 

Thứ hai, về chủ thể thứ ba tham gia vào quan hệ (bên bảo đảm). 

Pháp luật quy định bên bảo lãnh có thể là cá nhân, tổ chức bất kỳ có thể thực hiện nghĩa vụ theo bảo lãnh nếu cần. Ngược lại, chủ thể bảo đảm trong tín chấp chỉ có thể là tổ chức chính trị- xã hội. Mà theo quy định các tổ chức này chỉ được bảo đảm tín chấp cho thành viên của tổ chức mình trong quan hệ vay vốn tại các quan hệ tín dụng.

Thứ ba, về đối tượng của bảo đảm.

Đối với bảo lãnh, đối tượng bảo đảm có thể là tài sản hoặc nghĩa vụ thực hiện công việc theo hợp đồng chính. Chính vì vậy mà bảo lãnh có tính đối nhân vì chủ thể của bảo lãnh phải là chủ thể có khả năng thực hiện công việc theo hợp đồng chính.

Ngược lại, tín chấp có đối tượng là uy tín của các tổ chức chính trị xã hội. Các tổ chức này không có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được tín chấp, mà nghĩa vụ của các tổ chức này chỉ là giám sát và đôn đốc việc trả nợ của bên đi vay.

Thứ tư, loại hợp đồng.

Bảo lãnh có thể bảo đảm cho hầu hết các nghĩa vụ theo hợp đồng, thông thường được sử dụng cho các hợp đồng có đối tượng thực hiện công việc. Ngược lại, tín chấp bảo đảm cho các hợp đồng vay với chủ thể vay là các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện hoàn cảnh khó khăn và vay với số tiền nhỏ. 

Như vậy, bảo lãnh và tín chấp là hai biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thường thấy trong đời sống hàng ngày. Hai hình thức này có những đặc điểm giống và khác nhau dựa trên bản chất của chúng. Có thể thấy, tín chấp là một trường hợp đặc biệt của bảo lãnh với chủ thể bên thứ ba là các tổ chức chính trị – xã hội và chủ thể có nghĩa vụ là các nhân, hộ gia đình nghèo trong trường hợp họ không có tài sản để thế chấp.