Nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?

Khi bắt đầu bước chân vào thị trường thương mại và có mong muốn thành lập một công ty để thực hiện việc kinh doanh, các doanh nhân thường đứng trước ngã tư với các lựa chọn khác nhau đó là thành lập công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân? Hai lựa chọn mà người muốn thành lập doanh nghiệp thường cân nhắc đó là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần?

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn

a)  Đặc trưng của công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty TNHH là một loại hình doanh nghiệp trong đó một công ty do các thành viên góp vốn thành lập, số lượng thành viên góp vốn không quá 50 người với những đặc điểm sau

Thứ nhất, có tư cách pháp nhân: Tư cách pháp nhân của công ty TNHH đồng nghĩa với việc công ty TNHH là một thực thể pháp lý có con dấu, trụ sở riêng, có tài sản độc lập và có thể tự mình tham gia vào các quan hệ pháp luật. 

Thứ hai, nghĩa vụ của thành viên: mỗi thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của công ty, các khoản nợ trong phạm vi số vốn đã góp.

Thứ ba, khả năng huy động vốn: Để tăng vốn, công ty trách nhiệm hữu hạn có thể vay vốn, phát hành trái phiếu.

b) Ưu điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn

Ưu điểm nổi bật của loại hình công ty này là các thành viên trong công ty chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp. Về số lượng thành viên, công ty cổ phần có từ 2 – 50 thành viên. Chính vì vậy, khi chỉ có 02 thành viên góp vốn, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là một lựa chọn phù hợp.

Thứ hai, việc quản lý, điều hành cũng như kiểm soát sự thay đổi các thành viên trong công ty dễ dàng do những quy định chặt chẽ về việc thay đổi thành viên góp vốn (khi một thành viên góp vốn muốn chuyển nhượng lại phần vốn góp thì cần sự đồng ý của các thành viên khác).

c) Nhược điểm của công ty trách nhiệm hữu hạn

Công ty trách nhiệm hữu hạn không thể phát hành cổ phiếu, điều này đồng nghĩa với việc công ty của bạn không được lên sàn chứng khoán.

2. Công ty cổ phần

a) Đặc trưng của công ty cổ phần

Thứ nhất, có tư cách pháp nhân: Giống như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần cũng có tư cách pháp nhân: có trụ sở, con dấu riêng, có tài sản độc lập.

Thứ hai, về nghĩa vụ tài sản: Công ty cổ phần chịu trách nhiệm tài sản bằng toàn bộ tài sản công ty còn cổ đông (thành viên góp vốn vào công ty) chịu trách nhiệm tài sản đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi vốn góp.

Thứ ba, về khả năng huy động vốn: Một công ty cổ phần khi muốn tăng vốn, ngoài những lựa chọn huy động vốn như công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp là công ty cổ phần còn có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu.

b) Ưu điểm của công ty cổ phần

Ưu điểm nổi bật của công ty cổ phần là sự đa dạng của các lựa chọn để huy động vốn. Ngoài ra, việc chuyển nhượng vốn của công ty cổ phần cũng linh động, ai cũng có thể mua cổ phần của công ty, công ty cổ phần cũng có thể lên sàn chứng khoán.

c) Nhược điểm của công ty cổ phần

Công ty cổ phần có thể huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu, chính vì vậy, số lượng cổ đông trong một công ty có thể rất lớn, điều này khiến cho việc điều hành và quản lý công ty trở nên phức tạp.

3. Nên lựa chọn hình thức nào?

Việc lựa chọn loại hình nào doanh nghiệp nào giữa hai loại hình công ty nêu trên phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp. Cụ thể:

Trong trường hợp số lượng thành viên góp vốn thành lập doanh nghiệp là 2, doanh nghiệp chỉ có thể lựa chọn hình thức Công ty TNHH 2 thành viên, nếu có từ 3 – 50 thành viên góp vốn có thể lựa chọn thành lập Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, còn Công ty Cổ phần thì có từ 03 thành viên và không giới hạn thành viên tối đa.

Có thể doanh nghiệp sẽ muốn lựa chọn hình thức Công ty TNHH nếu như doanh nghiệp muốn kiểm soát chặt chẽ việc điều hành, quản lý bởi mỗi việc thay đổi danh sách thành viên thành lập công ty phải được sự đồng ý của tất cả các thành viên.

Công ty Cổ phần sẽ là một lựa chọn hợp lý nếu các doanh nghiệp muốn không bị giới hạn số cổ đông hay muốn phát hành cổ phiếu, gia nhập thị trường chứng khoán.

Như vậy, công ty TNHH hay công ty cổ phần đều có những đặc điểm, ưu và nhược điểm nhất định. Khi thành lập công ty, chủ doanh nghiệp nên cân nhắc nhu cầu hiện tại, định hướng phát triển công ty trong tương lai để lựa chọn hình thức công ty phù hợp.