Giám định về sở hữu trí tuệ nhằm mục đích gì?

Giám định về sở hữu trí tuệ  là gì ?

Là việc tổ chức, cá nhân có chức năng giám định sở hữu trí tuệ sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Có thể bạn quan tâm

Giám định sở hữu trí tuệ gồm những nội dung gì?

Gồm những nội dung sau đây:
– Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
– Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không;
– Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ;
– Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại.

Giám định sở hữu trí tuệ gồm những lĩnh vực nào?

– Quyền tác giả và quyền liên quan;
– Quyền sở hữu công nghiệp;
– Quyền đối với giống cây trồng.

Tổ chức nào có chức năng giám định sở hữu trí tuệ?

Hiện nay chỉ mới có duy nhất Viện khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam (Vietnam Intellectual Property Research Institute – VIPRI) có chức năng giám định sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực quyền sở hữu công ngiệp.

Đối với các lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan và giám định về quyền đối với giống cây trồng thì vẫn chưa có tổ chức nào có đủ thẩm quyền để có thể tiến hành trong các lĩnh vực này.

Ai cũng có thể thực hiện hoạt động?

Không? Chỉ những cá nhân đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định thì mới có chức năng giám định sở hữu trí tuệ. Cụ thể, giám định viên sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Thường trú tại Việt Nam;
– Có phẩm chất đạo đức tốt;
– Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ

Giám định về SHTT có vai trò hỗ trợ cho các lực lượng thực thi quyền SHTT trong việc đánh giá, kết luận về:

– Tình trạng pháp lý, khả năng bảo hộ đối tượng quyền SHTT, phạm vi quyền SHTT được bảo hộ;
– Xác định các chứng cứ để tính mức độ thiệt hại;
– Xác định yếu tố xâm phạm quyền, sản phẩm/dịch vụ xâm phạm, yếu tố là căn cứ để xác định giá trị đối tượng quyền SHTT được bảo hộ, đối tượng xâm phạm;
– Xác định khả năng chứng minh tư cách chủ thể quyền, chứng minh xâm phạm, hàng hoá xâm phạm hoặc khả năng chứng minh ngược lại của các tài liệu, chứng cứ được sử dụng trong vụ tranh chấp hoặc xâm phạm.
Bản Kết luận giám định về SHTT của tổ chức hoặc giám định viên là một trong những nguồn thông tin, tài liệu tham khảo để các cơ quan thực thi kết luận có hay không hành vi xâm phạm quyền SHTT.