Xử lí yêu cầu từ chối cấp văn bằng bảo hộ ở Hàn Quốc và Việt Nam

Có thể thấy mỗi một quốc gia đều sử dụng cơ chế giải quyết liên quan đến Sở Hữu trí tuệ khác nhau, tùy vào đặc trưng cơ bản của đất nước và từng vụ tranh chấp mà áp dụng cơ chế giải quyết phù hợp. Vậy, cơ chế xử lý các yêu cầu liên quan đến từ chối cấp văn bằng bảo hộ ở Hàn Quốc và Việt Nam khác biệt như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ tiếp cận các cách giải quyết giữa hai Quốc gia này.

1. Giải quyết các yêu cầu đối với phán quyết, quyết định từ chối cấp,chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ tại Hàn Quốc

Viện Phân xử sáng chế Hàn Quốc có chức năng phân xử các khiếu nại trước khi khởi kiện tại Tòa án Sáng chế. Phán quyết của Viện Phân xử sáng chế có thể coi như là “bản án sơ thẩm”. Nếu không đồng ý với phán quyết của Viện Phân xử sáng chế thì đương sự mới có quyền khởi kiện lên Tòa án Sáng chế

Thẩm quyền Tòa án sáng chế Hàn Quốc:  Giải quyết các yêu cầu đối với các phán quyết, quyết định của Viện phân xử Sáng chế (thuộc Cục sáng chế) bao gồm quyết định từ chối cấp bằng văn bằng bảo hộ, quyết định vô hiệu văn bằng bảo hộ, hủy bỏ văn bằng bảo hộ, không ra hạn văn bằng bảo hộ.

Trường hợp Đương sự nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án Sáng chế có thể kháng cáo lên Tòa án tối cao.

2. Việc giải quyết yêu cầu đối với quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ ở Việt Nam:

+ Thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ ở Việt Nam: Cục Sở hữu trí tuệ.

Căn cứ pháp lý:

+ Văn bằng bảo hộ bị từ chối cấp khi rơi vào trong các trường hợp tại Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009

+ Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực khi thuộc vào trong các trường hợp tại Điều 95 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009

+ Bị hủy bỏ hiệu lực quy định tại Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009.

Yêu cầu đối với quyết định từ chối, hủy bỏ, chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ trước tiên được giải quyết tại Cục sở hữu trí tuệ khi chủ thể nộp đơn có khiếu nại, nếu vẫn chưa đồng ý với quyết định của Cục sở hữu trí tuệ  thì chủ thể có yêu cầu có thể tiếp khiếu nại lên Bộ Khoa học và Công nghệ sau đó khởi kiện ra Tòa án hoặc có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án luôn mà không cần thông qua bước khiếu nại lên bộ Khoa học và Công nghệ. (Điểm 21 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN).

3. Nhận định trong việc giải quyết yêu cầu đối với quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ giữa Hàn Quốc và Việt Nam

a. Điềm tương đồng 

Như vậy, nhìn chung việc xử lí yêu cầu đối với quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ của Hàn Quốc khá giống với ở Việt Nam.

Trước khi đưa các vấn đề này ra tòa án để xét xử, cả hai nước đều đã có những phán quyết, quyết định được coi như là “bản án sơ thẩm”.

b. Điểm khác biệt

Ở Việt Nam, sau khi chủ thể khiếu nại nếu vẫn không đồng ý với quyết định của Cục sở hữu trí tuệ, thì có thể lựa chọn tiếp tục khiếu nại lên Bộ Khoa học và công nghệ hoặc không có thể  đưa trực tiếp ra tòa.

Ưu điểm: sự khác biệt này có thể giúp tòa án giảm bớt áp lực hơn bởi sự xuất hiện thêm một cơ quan trung gian nữa là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Nhược điểm : Nếu không đồng ý với quyết định của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đương sự sẽ tiếp tục kiện ra tòa án, điều này sẽ gây ra việc mất thời gian cũng như lợi ích kinh tế hơn.