Thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với hải quan

Thủ tục đăng ký với hải quan để bảo hộ nhãn hiệu đã đăng ký. Nếu có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà có dấu hiệu vi phạm là ngăn chặn luôn, thông báo tới chủ sở hữu và tạm dừng cho thông quan.

Có thể bạn quan tâm

1. Cơ sở pháp lý:

  • Điều 74 Luật Hải quan năm 2014.
  • Thông tư số 13/2015/TT-BTC.
  • Thông tư số 13/2020/TT-BTC.

2. Hồ sơ nộp đơn đề nghị

Hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhẩu khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm:

  • Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo mẫu số 01 – ĐĐN/SHTT/2020 (Thông tư số 13/2020/TT-BTC);
  • Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu trí tuệ
  • Mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh chụp, các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  • Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa có yêu cầu giám sát; danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
  • Văn bản ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền nộp đơn).
  • Chứng từ nộp phí hải quan theo quy định tại Thông tư số 274/2016/TT-BTC.

3. Thời hạn xử lý Đơn đề nghị

  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ:

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ bộ hồ sơ đề nghị theo quy định. Tổng cục Hải quan kiểm tra và thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn đề nghị.

  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị. Cơ quan hải quan có văn bản thông báo cho người nộp Đơn đề nghị để nộp bổ sung.

Hồ sơ nộp bổ sung quá thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan gửi thông báo nộp bổ sung thì Đơn đề nghị bị từ chối tiếp nhận.

4. Thời hạn có hiệu lực của Đơn đề nghị

Thời hạn áp dụng biện pháp là 02 năm kể từ ngày cơ quan hải quan chấp nhận yêu cầu. Thời hạn này có thể được gia hạn thêm 02 năm nhưng không được quá thời hạn bảo hộ đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

Trường hợp người nộp đơn đề nghị gia hạn thì phải gửi Đơn đề nghị gia hạn đến Tổng cục Hải quan. Gửi thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Chậm nhất 20 ngày trước ngày hết hiệu lực ghi trong văn bản thông báo chấp nhận đề nghị kiểm tra, giám sát

Như vậy, trường hợp được gia hạn thêm, thì hiệu lực của Đơn đề nghị tối đa là 4 năm.

5. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận Đơn đề nghị

Hồ sơ nộp Đơn đề nghị được gửi đến Tổng cục Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

6. Các trường hợp chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát

  • Hết thời hạn hiệu lực ghi trong văn bản thông báo chấp nhận Đơn đề nghị mà người nộp đơn đề nghị không có văn bản đề nghị gia hạn;
  • Người nộp Đơn đề nghị có văn bản gửi Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) đề nghị chấm dứt việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ có thông báo hủy bỏ văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã cấp cho người nộp Đơn đề nghị;
  • Cơ quan hải quan có cơ sở xác định chứng từ trong hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát không còn hiệu lực hoặc giả mạo.

7. Phí

Phí hải quan kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là 200.000 đồng/01 đơn.

8. Quy trình kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được chấp nhận Đơn đề nghị:

  • Đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, Chi cục Hải quan thông báo cho người nộp đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo mẫu số 06-SHTT ban hành kèm Thông tư này, kèm hình ảnh của hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (nếu có).
  • Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, Chi cục Hải quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

+ Trường hợp chủ thể quyền SHTT có đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan bằng văn bản và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan thì Chi cục Hải quan ra quyết định:

  • Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
  • Trường hợp có đủ cơ sở khẳng định hàng hóa theo thông báo là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét quyết định áp dụng ngay các biện pháp hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 214 và Điều 215 của Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm soát các cấp để xác minh, thu thập thông tin về hàng hóa theo quy định.

+ Trường hợp chủ thể quyền SHTT không có đơn hoặc không có văn bản đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan nhưng thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan hoặc có đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan nhưng không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan thì không thực hiện việc tạm dừng làm thủ tục hải quan cho lô hàng trừ trường hợp hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.

Như vậy, sau khi Chi cục Hải quan ra thông báo về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan, chủ thể quyền SHTT đã được chấp nhận Đơn đề nghị kiểm, tra giám sát hàng hóa phải có Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan.