Rủi ro pháp lý của doanh nghiệp tư nhân

Rủi ro pháp lý là những sự kiện xảy ra bất ngờ gây thiệt hại cho doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Phạm vi của rủi ro rất rộng và nằm trong các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mức độ thiệt hại gây ra cũng rất đa dạng và khó xác định. Đối với doanh nghiệp tư nhân (DNTN), thì rủi ro đó càng lớn. Đó có thể phải trả giá bằng tài sản cá nhân, phá sản, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, chủ sở hữu doanh nghiệp cần phải nhận diện và đánh giá chính xác những rủi ro có thể gặp.

1. Rủi ro pháp lý trong tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân

Loại rủi ro này có thể trực tiếp khiến cho doanh nghiệp bị thiệt hại về mặt lợi ích. Thực chất dù chủ sơ hữu có thuê người quản lý DNTN thì quyền quyết định số phận doanh nghiệp vẫn nằm trong tay người chủ và người “làm thuê” chỉ được nhận uỷ quyền để thực hiện những quyết định của chủ sở hữu. Vậy nên những rủi ro này chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém về năng lực quản lý hoặc thiếu ý thức tuân thủ pháp luật.

Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn có những rủi ro bắt nguồn từ tranh chấp, xung đột và các vi phạm cơ bản giữa người chủ DNTN và người được thuê để quản lý DNTN đó có thể gây hậu quả và thiệt hại lớn đối với người chủ sở hữu:

(i) Rủi ro do người được thuê quản lý DNTN vượt quá phạm vi quản lý được chủ sở hữu uỷ quyền; 

(ii) Rủi ro do người được thuê quản lý DNTN cố ý xâm phạm lợi ích của chủ sở hữu DNTN. 

2. Một số biện pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý về tổ chức quản lý doanh nghiệp tư nhân

a) Tuân thủ các quy định pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp

Để kiểm soát rủi ro pháp lý về việc tổ chức quản lý doanh nghiệp trong việc ra các quyết định quản lý, chủ sở hữu DNTN và người quản lý cần rà soát các quy định pháp luật để tránh thực hiện những việc luật cấm; đối với trường hợp luật cho phép được làm kèm theo các điều kiện doanh nghiệp cần đánh giá doanh nghiệp mình đã đáp ứng đúng và đầy đủ các điều kiện theo quy định chưa, nếu không đáp ứng được điều kiện luật quy định thì không nên làm.

b) Sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý hoặc đề nghị sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước có thấm quyền

Bên cạnh luật doanh nghiệp, quy định về tổ chức và quản lý doanh nghiệp tư nhân còn được điều chỉnh trong nhiều văn bản khác. Ví dụ như bộ luật Dân sự, các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Ngoài ra, về các lĩnh vực đầu tư khác nhau cũng cũng có những luật chuyên ngành khác nhau. Nên chủ doanh nghiệp và người quản lý cần chú ý tới những quy định về lĩnh vực/ngành nghê kinh doanh. Nếu chủ sở hữu doanh nghiệp chưa thực sự hiểu chắc chắn về một điều luật liên quan đến quản lý doanh nghiệp mà “mạo hiểm” đưa ra các quyết định quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động đó theo quan điểm và cách thức nhìn nhận của mình thì doanh nghiệp sẽ có nguy cơ phải gánh chịu rủi ro pháp lý từ các quyết định này. Vậy nên việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý là điều cần thiết để tránh những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân có quy mô càng lớn thì khả năng kiểm soát rủi ro pháp lý càng khó; bởi những doanh nghiệp này có nhiều ngành nghề kinh doanh, nhiều lao động… Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ pháp lý từ các công ty luật chuyên nghiệp với đội ngũ luật sư với chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm, đáp ứng được khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn…

c) Thành lập bộ phận pháp chế của doanh nghiệp

Nếu quy mô của DNTN lớn thì cần một biện pháp kiểm soát rủi ro lớn hơn. Khi đó việc cân nhắc thành lập bộ phận pháp chế chủ động hơn. Bởi chủ DNTN phải chịu trách nhiệm vô hạn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, vậy nên doanh nghiệp càng lớn càng cần một cơ chế kiểm soát rủi ro chặt chẽ. 

d) Thỏa thuận chặt chẽ các điều khoản của hợp đồng thuê người quản lý và kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động quản lý của người được thuê quản lý doanh nghiệp tư nhân

Chủ DNTN có thể thuê người quản lý doanh nghiệp. Hợp đồng thuê người quản lý DNTN là hợp đồng thực hiện công việc có ủy quyền và được hưởng thù lao. Trước hết, chủ DNTN và người được thuê quản lý điều hành phải thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng thuê người tổ chức quản lý DNTN về những nội dung quan trọng sau:

(i) Phạm vi công việc được thuê quản lý;

(ii) Thời hạn được thuê quản lý;

(iii) Trách nhiệm cụ thể khi vượt quá phạm vi công việc được thuê quản lý;

(iv) Trách nhiệm của các bên đối với bên thứ ba khi người được thuê quản lý vượt quá phạm vi công việc và thời hạn được thuê quản lý;

(v) Trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm của các bên về nhừng trường hợp bất khả kháng;

(vi) Trách nhiệm, nghĩa vụ người được thuê quản lý phải bảo mật thông tin, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong và sau quá trình được thuê quản lý doanh nghiệp.

Từ hợp đồng đó, việc quản lý, điều hành DNTN sẽ giao cho người khác. Người được thuê quản lý có thể trục lợi hoặc do chủ quan, hạn chế về pháp luật gây tổn thất lợi ích cho chủ DNTN. Tuy nhiên, trách nhiệm của chủ DNTN vẫn bị ràng buộc trước cơ quan có thẩm quyền.

Vậy nên chủ DNTN phải thiết lập thủ tục kiểm tra thường xuyên hoạt động quản lý, điều hành kinh doanh của người được thuê: 

(i) kiểm tra các hợp đồng mà người được thuê thay mặt DNTN giao kết;

(ii) kiểm tra hệ thống kế toán của doanh nghiệp để đưa ra các hướng xử lý khác nhau nhằm ngăn ngừa hoặc phát hiện, xử lý kịp thời những rủi ro về tổ chức, quản lý doanh nghiệp tư nhân.