Quy trình mua bán doanh nghiệp theo quy định mới nhất

M&A là viết tắt của Merger and Acquisition, là hoạt động mà một doanh nghiệp giành quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp khác. Việc này có thể thông qua nhiều hình thức như sáp nhập, mua lại toàn bộ hoặc một phần số cổ phần, vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác. Việc mua lại và sáp nhập này phải thực hiện theo một quy trình nhất định. Vậy quy trình đó như thế nào, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.

Quy trình mua bán doanh nghiệp là một quá trình phức tạp, đòi hỏi những bên tham gia phải có kiến thức sâu rộng và am hiểu về mặt pháp lý, tài chính, thị trường,… Mỗi một thương vụ M&A sẽ có những điểm khác biệt riêng, nhưng tổng quan thì các thương vụ này vẫn tuân theo một quy trình nhất định như sau:

Bước 1: Có chiến lược kinh doanh, tìm kiếm công ty mục tiêu

Khi một doanh nghiệp có ý định thực hiện một thương vụ mua bán doanh nghiệp, họ sẽ có một mục đích nhất định như mở rộng phạm vi kinh doanh, chiếm thị phần trên thị trường, tăng cường quy mô công ty,… Do đó, để đạt được mục tiêu của mình, doanh nghiệp cần có kế hoạch và chiến lược cụ thể, rõ ràng để biết mình cần làm những gì. Khi có kế hoạch thì doanh nghiệp sẽ chọn được công ty mục tiêu cho mình. Công ty mục tiêu phải phù hợp với hướng kinh doanh mà doanh nghiệp đã đề ra. Công ty mục tiêu có những ưu thế nhất định như nguồn khách hàng, đối tác ổn định, thế mạnh trong một khẩu sản xuất, sự độc đáo trong sản phẩm, cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn cung cấp sản phẩm,…

Bước 2: Lên kế hoạch đàm phán sơ bộ

Khi đã xác định được công ty mục tiêu và nhận định đáp ứng những tiêu chí đề ra, công ty mua có thể thực hiện trao đổi, đàm phán với công ty mục tiêu. Việc này được thực hiện thông qua soạn thảo một ý định thư (Letter of Intent) để đề ra một số điều khoản như giá cả, cách thức, quyền, nghĩa vụ của các bên. 

Bước 3: Báo cáo thẩm định

Sau khi đánh giá sơ bộ, bên mua cần thuê dịch vụ tư vấn pháp lý để đánh giá kỹ càng về công ty mục tiêu. Khi tiến hành thẩm định, bên mua và bên bán sẽ ký một hợp đồng bảo mật thông tin, sau đó sẽ được tiếp cận những tài liệu nội bộ của bên bán. Việc ký hợp đồng bảo mật rất quan trọng vì sẽ giúp bảo mật thông tin nội bộ, tránh bị phát tán ra ngoài, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bán. 

Bước 4: Thẩm định giá

Đây là giai đoạn cần nhiều thời gian đàm phán. Bởi vì thường hai bên sẽ không thống nhất được quan điểm về giá cả. Có trường hợp bên bán chào giá quá trong, trong khi bên mua lại đề nghị giá thấp hơn. Các bên phải thuê một bên trung gian thứ 3 để làm nhiệm vụ định giá công ty, điều này sẽ mang tính khách quan hơn. Giá trị của doanh nghiệp dựa vào nhiều yếu tố như công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh,…

Bước 5: Đàm phán và ký hợp đồng

Sau khi hoàn thành 4 bước trên, nếu các bên đều đồng thuận với nhau thì sẽ tiến hành ký hợp đồng. Hợp đồng này ghi nhận những cam kết của các bên về pháp lý, tài chính, và các yếu tố có liên quan khác như lao động, khách hàng, quản lý thị trường,… Một hợp đồng M&A thành công là phải đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch.