Phân loại vật theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

Trong tự nhiên thì vật rất đa dạng và phong phú, tùy giá trị, đặc tính tự nhiên mà phân loại khác nhau. Vậy theo quy định của bộ luật dân sự của Việt Nam quy định vật là gì? phân loại vật như thế nào? những lưu ý đối với từng loại vật khác nhau.

Cơ sở pháp lý

Điều 105 về Tài sản, Bộ luật Dân sự 2015.

Định nghĩa

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Vật là một khái niệm để chỉ

  • Các đối tượng tồn tại hiện hữu dưới dạng vật chất;
  • Có thể cảm nhận được bằng các giác quan; và 
  • Được giới hạn, quy định bằng hình dáng, kích thước, màu sắc. 

Vật dưới góc độ vật lý học có thể là bất kỳ đối tượng nào của thế giới vật chất được hữu hình hóa. Nhưng vật chỉ trở thành tài sản khi nó mang một giá trị và có thể trở thành đối tượng trong giao lưu dân sự.

Phân loại

Khi xét về chế độ pháp lý của vật: 

Thứ nhất, vật tự do lưu thông: Là vật lưu thông không cần điều kiện, tự do lưu thông như mua, bán, thuê, mượn, tặng, cho… và là đối tượng của các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cụ thể thì vật lưu thông dân sự cần phải thực hiện đầy đủ các chính sách thuế của nhà nước như thuế thu nhập, GTGT, phí chuyển dịch và các nghĩa vụ khác theo luật định.

Thứ hai, vật hạn chế lưu thông: Là vật khi lưu thông cần điều kiện về chủ thể, về hình thức, thủ tục, về trình độ, kĩ thuật của chủ thể như đối với các loại dược phẩm, di tích lịch sử, văn hoá…

Thứ ba, vật cấm lưu thông: Là những vật tuyệt đối không được lưu thông dân sự. vật có y nghĩa kinh tế, xã hội liên quan đến an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội … Như vũ khí quốc phòng, chất kích thích như ma tuý… 

=> Ý nghĩa:

  • Trong giao dịch dân sự: các chủ thể có thể biết rằng loại vật nào được phép giao dịch, tránh rủi ro pháp lý
  • Còn là một cơ sở để các chủ thể đăng kí kinh doanh

Cơ sở để phân loại vật

a) Thứ nhất: Dựa trên phương thức có được tài sản

Điều 109 phân biệt vật thành hoa lợi và lợi tức. Hoa lợi là sản vật mà tự bản thân tài sản sinh ra không phụ thuộc vào tác động từ phía con người. Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Tự bản thân tài sản không thể sinh ra lợi tức nếu không có hành vi khai thác, sử dụng của chủ sở hữu. 

Việc phân loại tài sản thành tài sản gốc, hoa lợi, lợi tức có ý nghĩa trong việc xác định quyền của người sử dụng, chiếm hữu tài sản nhưng không phải là chủ sở hữu. 

b) Thứ hai: Căn cứ vào vị trí, vai trò và giá trị của vật

Điều 110 chia vật thành vật chính và vật phụ. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính. 

Việc phân biệt vật chính và vật phụ có ý nghĩa xác định nghĩa vụ chuyển giao tài sản. Theo đó, khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì đương nhiên phải chuyển giao cả vật phụ mà không cần có thêm sự thỏa thuận nào khác. 

c) Thứ ba: Căn cứ vào tính chất, thuộc tính tồn tại bền vững của vật

Theo Điều 112, vật được chia vật thành vật tiêu hao và vật không tiêu hao. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. 

Vật tiêu hao chỉ có thể là đối tượng của giao dịch mua bán, tặng cho mà không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê, cho mượn. Cũng có trường hợp vật tiêu hao trở thành đối tượng của hợp đồng cho vay. Nhưng khi người đi vay thực hiện nghĩa vụ hoàn trả không nhất thiết phải trả chính vật đã vay mà thường là hoàn trả vật cùng loại có cùng tính chất. 

d) Thứ tư: Căn cứ và hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng của vật

Điều 113 quy định về chia vật thành vật cùng loại và vật đặc định. Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường. Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí, … 

Phân biệt vật thành vật cùng loại và vật đặc định có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ chuyển giao vật, thời điểm chuyển quyền sở hữu trong các giao dịch mua bán, cho thuê, cho mượn. Một vật đặc định khi cần được chuyển giao thì phải được chuyển giao đúng vật đó, còn đối với vật cùng loại chỉ cần được chuyển giao đủ và đúng loại. Ngoài ra, việc bù trừ nghĩa vụ về tài sản giữa các chủ thể có nghĩa vụ với nhau lại chỉ có thể được thực hiện đối với nghĩa vụ có đối tượng tài sản là vật cùng loại. 

f) Thứ năm: Vật đồng bộ

Theo quy định tại Điều 114 xây dựng khái niệm vật đồng bộ là vật gồm các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút. Xây dựng khái niệm vật đồng bộ có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ chuyển giao vật trong giao dịch dân sự. 

Theo đó, khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: nhẫn với kim cương