Nhà thầu nước ngoài xin giấy phép hoạt động xây dựng

Nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam đã trải qua quá trình đánh giá, chọn lọc, dù là vốn nhà nước hay nguồn vốn  khác. Tuy nhiên, theo quy định họ chỉ được phép hoạt động xây dựng (HĐXD) tại Việt Nam sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy phép HĐXD. Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng và thông tư 14/2016/TT-BXD chính thức có hiệu lực từ ngày 15/08/2016 hướng dẫn về cấp Giấy phép hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu  nước  ngoài  hoạt động  xây  dựng  tại  Việt  Nam  là  hai văn  bản  pháp luật chính quy định vềthủ tục cấp phép này.

Tuy nhiên nhìn vào hệ thống các quy định pháp luật về quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam ta thấy trước khi đưa ra hình thức cấp phép “Giấy phép hoạt động xây dựng”  đã từng trải qua hoạt động cấp “Giấy phép thầu”. Khi tìm hiểu về Giấy phép hoạt động xây dựng và Giấy phép thầu của nhà thầu nước ngoài ta thấy hai khái niệm, cũng như quy trình chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép gần như không có sự khác biệt.

Sự phát triển của các dự án bất động sản và các quy định mới của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư đã tạo điều kiện cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu và hoạt động tại Việt Nam. Nhà thầu nước ngoài có thể là tổng thầu, nhà thầu chính, nhà thầu liên danh hoặc nhà thầu phụ. Tuy nhiên, khác với nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài phải được cấp Giấy phép hoạt động xây dựng theo từng hợp đồng sau  khi trúng thầu. Việc thay đổi quy định từ cấp Giấy phép nhà thầu sang Giấy phép hoạt động xây dựng để góp phần tạo nên sự thống nhất về khái niệm pháp lý giữa các văn bản cùng điều chỉnh về việc cấp phép cho các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam, hạn chế sự khác biệt không cần thiết gây chồng chéo, khó khăn cho các chủ thể khi thực hiện hoạt động giải thích và áp dụng pháp luật.

Việc điều chỉnh tên gọi của giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho nhà thầu nước ngoài theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu hoặc được lựa chọn thầu từ “Giấy phép thầu” sang “Giấy phép hoạt động xây dựng” là để tăng tính phù hợp giữa tên gọi và bản chất của hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép của dành cho nhà thầu. Xem xét thời điểm nhà thầu nước ngoài được cấp phép, đó là sau khi trúng thầu hoặc được lựa chọn thầu. Như

vậy nếu chỉ gọi chung chung là “giấy phép thầu” thì chưa thể hiện rõ ràng vai trò của nhà thầu với hợp đồng/dự án xây dựng mà họ đã và đang tham gia.

Việc thay đổi quy định về cấp phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài có hoạt động tại Việt Nam góp phần hạn chế những tình huống hiểu sai bản chất của quy định pháp luật khi nghe qua tên gọi mà không tìm hiểu kỹ nội dung của quy định đó. Tên gọi rõ ràng và thể hiện đúng nhất  bản  chất  của  quy  trình  cấp  phép  sẽ  tăng  tính  minh  bạch  hơn  cho  các  quy định  pháp  luật  nói chung, và các quy định về quy trình cấp phép cho các nhà thầu nước ngoài nói riêng. Điều này cũng góp phần thu hút ngày càng nhiều các nhà thầu nước ngoài tham gia vào các dự án xây dựng trong nước, nâng cao chất lượng công nghệ, trang thiết bị cũng như tăng ưu thế về thời gian hoàn thiện cho các công trình xây dựng trong tương lai.