Một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng

Trong thực tiễn của đời sống, các giao dịch trong các lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại,… thường diễn ra hết sức thường xuyên và ngày càng phức tạp. Song song với sự phát triển đó, thì những rủi ro pháp lý cũng xảy ra ngày một nhiều hơn và không hề báo trước, nhất là đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, những rủi ro pháp lý trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng thường gây ra những thiệt hại nặng nề cả về mặt kinh tế lẫn uy tín của doanh nghiệp. Việc phòng và tránh được các rủi ro có thể xảy ra thông qua hợp đồng thực sự là một vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm.

Vậy, làm thế nào để soạn được một bản hợp đồng có thể hạn chế rủi ro tối đa cho doanh nghiệp, bài viết sau xin đưa ra một số kinh nghiệm soạn thảo hợp đồng.

Về hình thức của hợp đồng. Một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là hình thức hợp đồng phải được công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật có yêu cầu. Ví dụ như hợp đồng mua bán quyền sử dụng đất, bất động sản, mua bán các phương tiện như ôtô, tàu thủy,… đều phải được lập thành văn bản và phải có công chứng. Nếu không đáp ứng các điều kiện này, giao dịch sẽ vô hiệu và không được pháp luật bảo vệ.

Về nội dung của hợp đồng. Trong một hợp đồng thường quy định rất nhiều điều khoản, vậy nội dung nào cần được chú trọng? Các điều khoản có thể kê đến như điều khoản định nghĩa, quyền và nghĩa vụ của các bên, chấm dứt hợp đồng,… Trong Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại đều đã có các quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, cho phép chấm dứt hợp đồng, bồi thường thiệt hại, do đó khi soạn thảo hợp đồng các bên có thể căn cứ vào đây để soạn thảo, trừ khi cần quy định thêm các trường hợp mở rộng thêm.

Thực tế, điều đầu tiên khi soạn thảo hợp đồng các bên cần chú ý điều khoản đối tượng của hợp đồng, chủ thể là ai, mua bán hàng hóa nào, tổng trọng lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào, thời hạn giao hàng và thanh toán ra sao,… Không có điều luật nào quy định rõ ràng các nội dung này, do vậy chính các doanh nghiệp phải tự tạo một giao kết ràng buộc hai bên, đây sẽ là căn cứ để xem xét có sự vi phạm hợp đồng hay không, từ đó xác định trách nhiệm giữa các bên.

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một điều khoản không kém quan trọng đó là điều khoản chọn luật và nơi giải quyết tranh chấp. Nếu có tranh chấp, trọng tài hoặc tòa án sẽ dựa vào những thỏa thuận này để xác định thẩm quyền giải quyết của mình. Nếu không thỏa thuận, sẽ xác định dựa trên các quy tắc tư pháp quốc tế để chọn luật và tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Do đây là điều khoản tùy nghi các bên tự thỏa thuận, các bên phải am hiểu rõ ràng luật pháp của nước sở tại và nước nơi thương nhân bạn hàng có trụ sở để có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình.

Ngoài ra, trong xu thế toàn cầu hoá, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp cũng như trong quá trình đàm phán hợp đồng. Trong lĩnh vực hợp đồng từ lâu đã hình thành những quy tắc ngôn ngữ riêng mà để đảm bảo tính chuyên nghiệp cũng như tránh được lỗi trong việc soạn thảo khiến việc soạn thảo hợp đồng trở nên không còn thông dụng và dễ dàng, nhất là đối với các hợp đồng thương mại quốc tế. Do vậy, doanh nghiệp cần phải tự trang bị các kiến thức về Tiếng anh pháp lý hoặc nhờ đến sự trợ giúp của luật sư để soạn thảo một bản hợp đồng chuyên nghiệp và hạn chế rủi ro một cách thấp nhất có thể.

Trên đây là một số lưu ý cơ bản trong quá trình soạn thảo hợp đồng, tuy nhiên soạn một hợp đồng hiệu quả khi hợp đồng đó đáp ứng các điều kiện cơ bản, đồng thời phù hợp điều kiện của các bên trong hợp đồng đó tạo điều kiện thực hiện hợp đồng lý tưởng, do vậy, các chủ thể của hợp đồng sẽ áp dụng linh hoạt các điều kiện thực tế của các bên cũng như quy định pháp luật để xây dựng một hợp đồng hiệu quả nhất.