Làm sao để bảo đảm đầu tư khi NĐT không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư?

Khi không còn được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp, nhà đầu tư loay hoay tìm cách để đảm bảo đầu tư. Để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thủ tục đảm bảo đầu tư, dưới đây là một số nội dung cụ thể.

Có thể bạn quan tâm

Đảm bảo đầu tư khi không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Quyền lợi của Nhà đầu tư được bảo đảm tối đa theo đúng tinh thần của Luật đầu tư năm 2014, trong mọi trường hợp, nếu có sự thay đổi về chính sách hay pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các nhà đầu tư, nguyên tắc duy nhất được thực hiện là cam kết đảm bảo tối đa quyền lợi của các nhà đầu tư.

Do đó, trường hợp Nhà đầu tư không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư do thay đổi pháp luật sẽ được xem xét giải quyết bằng một số biện pháp như: Khấu trừ thiệt hại thực tế của nhà đầu tư vào thu nhập chịu thuế; Điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư; Hỗ trợ nhà đầu tư khắc phục thiệt hại.

Để được áp dụng những biện pháp bảo đảm đầu tư đó, nhà đầu tư phải gửi yêu cầu bằng văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm ưu đãi đầu tư trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành. Trình tự thực hiện như sau:

Hồ sơ đảm bảo đầu tư khi không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư

– Văn bản đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm đầu tư gồm các nội dung sau:

+ Tên và địa chỉ của nhà đầu tư;

+ Ưu đãi đầu tư theo quy định tại văn bản pháp luật trước thời điểm văn bản pháp luật mới có hiệu lực gồm: Loại ưu đãi, điều kiện hưởng ưu đãi, mức ưu đãi (nếu có);

+ Nội dung văn bản pháp luật mới có quy định làm thay đổi ưu đãi đầu tư;

+ Đề xuất của nhà đầu tư về áp dụng biện pháp bảo đảm ưu đãi đầu tư quy định tại Khoản 4 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2014.

– Giấy phép đầu tư, Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quy định về ưu đãi đầu tư (nếu có một trong các loại giấy tờ đó).

Thủ tục thực hiện

– Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, nhà đầu tư gửi yêu cầu bằng văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm ưu đãi đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư.

– Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm ưu đãi đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà đầu tư. Trường hợp vượt thẩm quyền thì trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Như vậy, nếu công ty bạn thuộc trường hợp không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư do thay đổi quy định của pháp luật, công ty bạn có thể thực hiện gửi yêu cầu bằng văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo đảm ưu đãi đầu tư trong thời hạn 03 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực thi hành với quy trình thực hiện và nội dung hồ sơ cụ thể.

Trên đây là các thông tin hữu ích về thủ tục đảm bảo đầu tư khi không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành mà công ty chúng tôi  cung cấp. Hy vọng giúp ích cho quý vị!