Ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Kinh doanh đa cấp là một hình thức bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau. Người tham gia vừa là thành viên của công ty, vừa là khách hàng. Họ sẽ hưởng lợi từ tiền hoa hồng của sản phẩm bán được của họ và những cấp dưới của họ. Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh hợp pháp ở Việt Nam. Thế nhưng, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, hình thức bán hàng đa cấp bất chính xuất hiện rất phổ biến. Hiện nay, Việt Nam cũng đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về việc kinh doanh đa cấp.

Để đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp và Nhà nước, các tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đó là một trong những quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mức kỹ quỹ nàyđược nâng cao hơn gấp đôi trước đây, và được quy định nộp bằng tiền mặt, không được bảo lãnh ngân hàng hoặc thế chấp bằng tài sản.

Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Để thực hiện quy định này, ngày 30/11/2018, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư 29/2018/TT-NHNN hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hiệu lực kể tử ngày 18/01/2019. Nhằm đảm bảo thống nhất với nội dung tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, Thông tư 29/2018/TT-NHNN tập trung hướng dẫn các nội dung: Thủ tục nộp tiền ký quỹ và xác nhận tiền ký quỹ của doanh nghiệp, quản lý tiền ký quỹ, lãi suất tiền gửi ký quỹ, thủ tục rút tiền ký quỹ, xử lý khoản tiền đã ký quỹ, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan,…

Tiền gửi ký quỹ cũng được hưởng lãi suất tiền ký quỹ do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng ký quỹ giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ đảm bảo phù hợp với quy định về lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Doanh nghiệp được rút tiền ký quỹ trong các trường hợp sau:

– Bộ Công Thương từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 40/2018/NĐ-CP và đã hoàn thành các trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này;
– Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ đảm bảo cho ngành nghề kinh doanh bán hàng đa cấp tại một ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng khác.

Khi hàng hóa được bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán hàng đa cấp, thì nhà sản xuất khôngg những tiết kiệm rất nhiều chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mại, tiền kho bãi, vận chuyển hàng hóa,… mà còn được người tiêu dùng chia sẻ chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình đến nhiều người khác. Do tiết kiệm được các phí tổn từ đó nâng cao lợi nhuận của các doanh nghiệp đa cấp. Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới, được thâm nhập vào Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ XXI. Nhưng tại Việt Nam hiện nay dễ bị lợi dụng biến tướng trở thành lừa đảo. Do đó, cần thiết phải có quy định chặt chẽ về ngành nghề kinh doanh này, nhằm bảo vệ người tham gia cũng như giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình bán hàng đa cấp.