Hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự 2015

 

Câu hỏi về hợp đồng dân sự theo quy định của bộ luật dân sự 2015

Xin chào luật sư,mong luật sư có thể giúp tôi giải đáp thắc mắc và cho tôi biết là theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng cần phải có những nội dung gì? Tôi xin cảm ơn!

Giải đáp thắc mắc về hợp đồng dân sự theo quy định của bộ luật dấn sự 2015

Theo quy định tại Điều 398 Bộ luật dân sự 2015 về nội dung của hợp đồng thì:

1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.

  1. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
  2. a) Đối tượng của hợp đồng;
  3. b) Số lượng, chất lượng;
  4. c) Giá, phương thức thanh toán;
  5. d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

  1. e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
  2. g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”

Căn cứ vào quy định trên thì các bên giao kết hợp đồng có quyền thỏa thuận về các nội dung của hợp đồng phù hợp với mục đích giao kết mà các bên đã đặt ra. Tuy nhiên, xét về bản chất và vai trò của các điều khoản đối với sự hình thành hợp đồng dân sự, thì có những điều khoản bắt buộc phải có, những điều khoản không bắt buộc phải có hoặc không bắt buộc các bên phải thỏa thuận. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

Đối tượng của hợp đồng

Đối tượng của hợp đồng là điều khoản cơ bản của mọi hợp đồng dân sự. Đây là điều khoản bắt buộc phải có trong hợp đồng dân sự, đồng thời các bên phải thỏa thuận cụ thể về điều khoản này. Nếu các bên không thỏa thuận về đối tượng của hợp đồng thì hợp đồng không thể được hình thành. Trong các loại hợp đồng dân sự thông dụng mà BLDS quy định, nếu dựa vào đối tượng thì được phân chia thành hai nhóm: một là, các hợp đồng có đối tượng là tài sản; hai là, các hợp đồng có đối tượng là công việc.

Số lượng và chất lượng là các yếu tố thuộc về đối tượng của hợp đồng .

Trên thực tế, chỉ có số lượng mới là điều khoản cơ bản của hợp đồng, bởi nếu các bên giao kết hợp đồng không thỏa thuận về số lượng của đối tượng thì không thể xác định chính xác về đối tượng của hợp đồng, về chất lượng của đối tượng thì trong nhiều trường hợp, nó không được coi là điều khoản cơ bản vì có thể xác định được theo chất lượng trung bình của đối tượng cùng loại trên thị trường tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.

Giá trị của hợp đồng

Giá không phải là điều khoản bắt buộc đối với mọi trường hợp.

Bởi vì, trên thực tế, khi các bên không thỏa thuận về giá của đối tượng thì giá của đối tượng vẫn có thể được xác định dựa vào giá thị trường của đối tượng cùng loại. Quy định về giá chỉ bắt buộc trong những trường hợp đặc biệt liên quan đến các loại sản phẩm, hàng hóa, các loại dịch vụ phải niêm yết giá để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phương thức thanh toán cũng không phải là điều khoản bắt buộc của mọi hợp đồng.

Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận để đưa ra phương thức thanh toán cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của mỗi bên. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về phương thức thanh toán thì áp dụng quy định riêng đối với từng loại hợp đồng hoặc áp dụng quy định chung về phương thức thực hiện của từng loại nghĩa vụ dân sự trong BLDS.

Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng cũng không phải là điều khoản bắt buộc các bên phải thỏa thuận trong hợp đồng.

Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng thì thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng được xác định theo quy định riêng đối với từng loại hợp đồng hoặc quy định chung về thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện nghĩa vụ dân sự trong BLDS.

Thông thường, đối với mỗi loại hợp đồng thì pháp luật đều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên.

Tuy nhiên, khi giao kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên hoặc áp dụng các quy định của pháp luật về vấn đề này. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ của các bên thì các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong loại hợp đồng tương ứng vẫn được coi là mặc nhiên có giá trị.

Các bên giao kết hợp đồng có thể thỏa thuận về việc xác định trách nhiệm dân sự khi có vi phạm hợp đồng.

Sự thỏa thuận này có thể là về vấn đề phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc một loại trách nhiệm khác. Tuy nhiên, nếu các bên không có thỏa thuận thì các quy định của pháp luật về trách nhiệm do vi phạm từng loại hợp đồng nói riêng và các quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ nói chung vẫn mặc nhiên được áp dụng.

Xét về bản chất, quan hệ pháp luật về hợp đồng được hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên tham gia giao kết. Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên được quyền tự định đoạt tất cả các vấn đề liên quan đến hình thức, nội dung, thậm chí là cả phương thức giải quyết tranh chấp. Phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên hàng đầu luôn là thương lượng và hòa giải giữa các bên. Tòa án chỉ có quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng khi các bên có yêu cầu và chỉ được giải quyết trong phạm vi yêu cầu.

Như vậytheo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì nội dung hợp đồng trước hết tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên, các bên nên có những nội dung cơ bản như trên để đảm bảo nội dung đúng quy định.

Trên đây là phần tư vấn của luật sư về thẩm quyền kí kết hợp đồng. Hi vọng giúp ích được cho Quý khách hàng.