Động sản và Bất động sản theo pháp luật Dân sự

Động sản và bất động sản là gì? Phân loại tài sản? Ý nghĩa của việc phân loại tài sản thành động sản và bất động sản?

Cơ sở pháp lý

Điều 107 Bộ luật dân sự năm 2015 

Định nghĩa

Bất động sản và động sản được định nghĩa như sau:

  1. Bất động sản là những tài sản bao gồm:
  2. a) Đất đai;
  3. b) Nhà cửa, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
  4. c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng;
  5. d) Tài sản khác.
  6. Động sản là những tài sản mà không phải là bất động sản.

Phân loại

a) Căn cứ vào đặc tính vật lý của tài sản

Phân loại tài sản theo hai loại động sản và bất động sản là cách phân loại tài sản dựa vào đặc tính vật lý. Cụ thể là tài sản có thể di dời được hay không thể di rời được. Bất động sản là do đặc tính tự nhiên được hiểu là các tài sản không thể di dời được. Vì thế bản chất tự nhiên cấu tạo nên tài sản đó, bao gồm:

+ Đất đai: được xác định bằng diện tích và trị trí mảnh đất đó. Điều này được thể hiện trên bản đồ địa chính, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận thông qua các quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó.

+ Nhà cửa, công trình xây dựng gắn liền với đất đai : Nhà, công trình trên đất cũng được coi là bất động sản do đặc tính tự nhiên. Bởi nó được xây dựng gắn liền với đất bằng một kết cấu chặt chẽ chứ không đơn thuần “đặt” trên đất. Vì vậy, một lều xiếc hay một lán chợ dựng tạm thì không được coi là bất động sản.

+ Cây cối, hoa màu và các tài sản khác trên đất : Khoáng sản, cây cối hoa màu trên đất cũng được coi là bất động sản (khi chưa được khai thác, chặt cây, hay hái lượm). Nếu chúng được tách khỏi đất thì khi đó sẽ trở thành động sản. Giả sử khoáng sản, cây cối, hoa màu tuy vẫn chưa được khai thác nhưng đã là đối tượng của hợp đồng mua bán trước. Việc mua bán trước này có làm cho khoáng sản, cây cối hoa màu trở thành động sản hay không, cho dù nó vẫn còn ở trên đất? Luật pháp các nước đều cho rằng các tài sản này, trong trường hợp trên, đã trở thành động sản.

+ Các động sản trở thành bất động sản vì mục đích sử dụng: các tài sản gắn liền với nhà; công trình xây dựng đều được coi là bất động sản. 

b) Điều kiện nào thì động sản được coi là gắn liền với nhà, công trình xây dựng? 

Thông thường, việc gắn một động sản vào nhà, công trình xây dựng phải:

– nhằm tạo một chỉnh thể thống nhất phục vụ cho mục đích sử dụng nhà, công trình đó, mặt khác, 

– việc gắn động sản vào nhà, công trình phải do người có quyền (quyền sở hữu hoặc một quyền năng khác) đối với nhà, công trình xây dựng đó thực hiện;

– việc gắn liền phải mang tính chất kiên cố, không thể tháo ra mà không làm hư hại hoặc mất vẻ mỹ quan của nhà, công trình. 

Ví dụ như hệ thống điện, nước trong nhà, bức tượng, nếu được gắn vào hốc tường một cách kiên cố cũng có thể được coi là bất động sản.

c) Bất động sản do pháp luật quy định

Ngoài những tài sản là bất động sản kể trên, khi cần thiết, bằng các văn bản pháp luật cụ thể, pháp luật có thể quy định những tài sản khác là bất động sản. Ví dụ như theo quy định của Điều 5, Luật Kinh doanh bất động sản  năm 2014 thì quyền sử dụng đất là bất động sản.

d) Căn cứ vào thời điểm hình thành tài sản và thời điểm xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu

Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. 

Tài sản hiện có là tài sản:

– đã tồn tại vào thời điểm hiện tại; và

– đã được xác lập quyền sở hữu cho chủ sở hữu của tài sản đó (nhà đã được xây,…). 

Tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là:

– tài sản chưa tồn tại; hoặc 

– chưa hình thành đồng bộ vào thời điểm xem xét nhưng chắc chắn sẽ có hoặc được hình thành trong tương lai ( nhà đang được xây dựng theo dự án, tiền lương sẽ được hưởng,…). 

Ngoài ra, tài sản hình thành trong tương lai có thể bao gồm tài sản đã được hình thành tại thời điểm giao kết giao dịch nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch tài sản đó mới thuộc sở hữu của các bên (tài sản mua bán, thừa kế nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển giao cho chủ sở hữu).