Các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật

1. Quy định của pháp luật lao động về các trường hợp chấm dứt hợp đồng.

Theo Điều 22 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về chấm dứt hợp đồng như sau:
Hợp đồng được chấm dứt trong các trường hợp:
– Hợp đồng đã được hoàn thành
– Theo thỏa thuận của các bên
– Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện
– Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện
– Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn
– Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật Dân sự 2015
– Trường hợp khác do pháp luật quy định

2. Đặc điểm của các trường hợp chấm dứt hợp đồng

Theo quy định của pháp luật dân sự, nhìn chung việc chấm dứt hợp đồng chủ yếu xuất hiện trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, hợp đồng chấm dứt khi hợp đồng đã được hoàn thành.

Đây là trường hợp các bên trong hợp đồng đã thực hiện xong các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận.

Thứ hai, hợp đồng chấm dứt theo sự thỏa thuận của các bên.

Đây là trường hợp hợp đồng chấm dứt khi các quyền và nghĩa vụ chưa được thực hiện hoặc chưa được thực hiện xong

Thứ ba, hợp đồng chấm dứt khi cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

Thông thường, khi chủ thể giao kết hợp đồng là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại sẽ xảy ra hai trường hợp:
– Hợp đồng vẫn có giá trị nếu hợp đồng có thể do cá nhân, pháp nhân khác thực hiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì hợp đồng vẫn chấm dứt nếu việc thực hiện hợp đồng không thể chuyển giao cho chủ thể khác. Ví dụ, cá nhân giao kết hợp đồng chết nhưng không có người thừa kế tiếp tục thực hiện hợp đồng
– Hợp đồng sẽ chấm dứt nếu như hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện. Đây là trường hợp việc thực hiện hợp đồng gắn liền với nhân thân của chủ thể giao kết, hoặc liên quan tới những bí mật mà chỉ những người giao kết hợp đồng mới thực hiện được

Thứ tư, hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt.

Mặc dù việc hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đều làm cho hợp đồng không còn tồn tại trên thực tế, nhưng về bản chất thì việc chấm dứt này khác nhau. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có giá trị từ thời điểm giao kết, tức là coi như chưa có hợp đồng phát sinh trên thực tế. Hậu quả pháp lý của hợp đồng bị hủy bỏ được giải quyết giống như hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng không chỉ có giá trị đối với phần hợp đồng chưa được thực hiện. Phần hợp đồng đã được thực hiện vẫn có giá trị pháp lý.

Thứ năm, hợp đồng chấm dứt do đối tượng không còn.

Đối tượng của hợp đồng là điều khoản cơ bản của mọi hợp đồng. Việc thỏa thuận rõ hay không rõ về đối tượng của hợp đồng sẽ làm ảnh hưởng đến việc hình thành hợp đồng. Nếu không thỏa thuận rõ về đốỉ tượng thì hợp đồng không được hình thành. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên thỏa thuận rõ về đối tượng của hợp đồng nhưng vì lý do chủ quan hoặc khách quan dẫn đến đối tượng hợp đồng không còn thì hợp đồng sẽ chấm dứt. Tùy từng trường hợp mà các bên có thể phải chịu trách nhiệm về việc đối tượng của hợp đồng không còn.

Thứ sáu, một điểm mới về các căn cứ chấm dứt hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2015 đó là hợp đồng có thể chấm dứt khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi cơ bản.

Cũng giống như việc sửa đổi hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, việc chấm dứt hợp đồng cũng cần có điều kiện nhất định như: (i) Hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 420 BLDS; (ii) Một bên bị ảnh hưởng đến lợi ích do hoàn cảnh thay đổi; (iii) Các bên không thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định tại các khoản nói trên, hợp đồng cũng sẽ bị chấm dứt trong các trường hợp do pháp luật quy định. Ví dụ, hợp đồng không thể thực hiện được vì lý do khách quan (A thuê B cày ruộng bãi, nhưng mưa lũ đã làm lở toàn bộ diện tích ruộng bãi của A xuống sông).

Tham khảo thêm: https://lawfirmvietnam.com/cham-dut-hop-dong-trai-phap-luat-theo-quy-dinh-phap-luat/

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến các quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu pháp luật.